Hội thảo chuyên đề: “NGĂN DÒNG HỌC SINH BỎ HỌC”

Lượt xem:

Đọc bài viết

GIẢI PHÁP “NGĂN DÒNG HỌC SINH BỎ HỌC”

 Hiện nay, ở các trường học, đặc biệt là các trường ở vùng sâu , vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang đứng trước một thực trạng học sinh bỏ học quá nhiều. Đây là vấn đề bức xúc mà ngành giáo dục đang trăn trở đê tìm ra giải pháp khắc phục.

Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng này và chúng ta phải làm gì để hạn chế tình trạng đó ?

 Nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng HS bỏ học trách nhiệm trước hết đương nhiên thuộc về ngành GD vói sự hỗ trợ của đảng Uỷ, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể trong xã hội, bên cạnh sự nỗ lực không thể thiếu của chính gia đình các em HS bỏ học và cũng không thể không kể đến vai trò của người giáo viên chủ nhiệm. Vậy nên, để tìm ra được giải pháp cho việc giảm thiểu được tình trạng học sinh bỏ học, vào 15h00’ ngày 11/1/2023, trường THPT Tây Trà đã tổ chức buổi Hội thảo chuyên đề “Ngăn dòng học sinh bỏ học”.

          Đến với buổi Hội thảo có sự tham gia của Ban giám hiệu trường THPT Tây Trà, các thầy cô giáo trong nhà trường và đặc biệt là sự có mặt của đại diện UBND các xã Trà Phong, Trà Xinh, Sơn Trà cùng với Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đầu tiên, thầy hiệu trưởng Võ Hồng Trường nói về lý do của buổi hội thảo, chính là thực trạng học sinh bỏ học ở các trường miền núi, đặc biệt là học sinh trường THPT Tây Trà khá nhiều, đây là vấn đề cấp thiết đáng quan tâm và cần phải tìm ra biện pháp khắc phục. Và để có thể ngăn chặn được học sinh bỏ học cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với chính quyền, các ban ngành đoàn thể, phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm.

Đồng chí Lê Thị Bích Chiêu, phó hiệu trưởng nhà trường đã báo cáo về đặc điểm tình hình của trường THPT Tây Trà. Về thuận lợi, trường được sự quan tâm chỉ đạo của các ban ngành đoàn thể, cán bộ giáo viên trẻ nhiệt huyết, cơ sở vật chất đảm bảo, học sinh ngoan hiền. Bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn như điều kiện kinh tế địa phương khó khăn, học sinh lập gia đình sớm, đội ngũ giáo viên có nhiều biến động và phụ huynh ít quan tâm đến học tập của con em mình. Theo thống kê số học sinh nghỉ học giữa chừng có giảm nhưng vẫn còn cao: năm học 2020-2021 có 59/579 em học sinh bỏ học chiếm đến 10,19%; đến năm học 2021-2022 có 60/532 học sinh bỏ học chiếm 11,28%; học kì 1 năm học 2022-2023 có 17/515 học sinh bỏ học. Mà nguyên nhân dẫn đến học sinh bỏ học phần lớn đó là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh cũng như học sinh thiếu hiểu biết, chưa nhận ra được tầm quan trọng của việc học, để làm tốt công tác hạn chế học sinh bỏ học cần “đòi hỏi sự thống nhất cao giữa nhà trường, chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể, cha mẹ học sinh”.

Việc khắc phục tình trạng học sinh bỏ học không thể không nói đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Cô Nguyễn Thị Như Ý báo cáo tham luận “Vai trò của GVCN trong việc giáo dục ý thức cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giữ vững sỉ số”. Trong bài tham luận cô cũng đã nêu ra nguyên nhân việc học sinh bỏ học cũng như những biện pháp bản thân đã thực hiện để khắc phục như thành lập nhóm trưởng khu vực, sắp xếp chỗ ngồi theo nguyện vọng của học sinh, xây dựng mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, giữa thầy với trò, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, giáo viên bộ môn, các tổ chức trong nhà trường và chính quyền địa phương. Nhờ thực hiện các biện pháp đã đưa ra mà nhiều năm qua cô Như Ý đã được được nhiều thành tích trong công tác chủ nhiệm lớp.

Bên cạnh giáo viên chủ nhiệm, tổ chức đoàn thanh niên trong nhà trường cũng góp vai trò không nhỏ trong việc giáo dục học sinh. Đồng chí bí thư đoàn trường Đoàn Quốc Nhật đã báo cáo tham luận về “Thanh niên đi đầu học tập”. Đồng chí đã nêu một số biện pháp thực hiện để giáo dục học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và giảm tỉ lệ học sinh bỏ học.

Đến tham dự với buổi hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện UBND các xã có học sinh đang học tại trường, các đồng chí cũng đóng góp ý kiến về việc thành lập tổ chức liên kết giữa nhà trường và địa phương để nắm bắt kịp thời việc học sinh vắng học và có biện pháp giải quyết.

Đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường cũng đóng góp ý kiến về việc thành lập quỹ khuyến học cho học sinh nhà nghèo vượt khó để cỗ vũ tinh thần học tập cho các em.

Qua buổi hội thảo về chuyên đề “Ngăn dòng học sinh bỏ học”, trường THPT Tây Trà đã có sự thống nhất cao giữa nhà trường với chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm về việc đưa ra giải pháp để giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học đó là nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của việc học, phát hiện sớm những học sinh có nguy có bỏ học để có phương hướng giải quyết, thành lập tổ chức kết nối giữa nhà trường và địa phương, giáo dục hướng nghiệp sớm cho học sinh thông qua các buổi tư vấn.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ

BÁO CÁO THAM LUẬN: VAI TRÒ CỦA GVCN TRONG VIỆC GIÁO DỤC Ý THỨC CHO HỌC SINH, GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC, GIỮ VỮNG SĨ SỐ CỦA TẬP THỂ LỚP

Báo cáo viên: Cô Nguyễn Thị Như Ý – Giáo viên môn Vật lí

1. Đặt vấn đề

Sinh thời Bác Hồ đã nói rằng: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, câu nói của Bác đến nay vẫn còn ngsuyên giá trị, đảng và nhà nước ta luôn nêu cao việc phát triển toàn diện – giáo dục toàn diện. Cho thấy được tầm quan trọng, cần thiết phải cho con em mình đến trường nhằm tạo điều kiện cho các em được học tập và phát triển một cách toàn diện.

Theo tôi, nhiệm vụ trên không chỉ là nhiệm vụ của các thầy cô giáo mà còn là nhiệm vụ của các bậc phụ huynh, của chính quyền địa phương và của toàn xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục toàn diện cho học sinh, Ban giám hiệu trường THPT Tây Trà luôn đề cao vai trò của người giáo viên làm chủ nhiệm lớp. Một công việc quan trọng trong công tác chủ nhiệm đó là: duy trì sĩ số của tập thể lớp, nó là nền tảng giúp các em học sinh lĩnh hội kiến thức một cách đầy đủ và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Việc các em nghỉ học, bỏ học giữa chừng ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu giáo dục của nhà trường, đến chất lượng của xã hội nói chung và của địa phương nói riêng.

Nhiều năm qua, được sự tin tưởng của lãnh đạo nhà trường, tôi được giao làm công tác chủ nhiệm, tôi muốn chia sẻ rằng làm công tác giáo viên chủ nhiệm thật vất vả, không hề dễ dàng, công việc mang lại nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn và những kỷ niệm khó quên. Song để trở thành một giáo viên chủ nhiệm giỏi được học trò và phụ huynh tin tưởng thì càng khó khăn hơn.

2. Đánh giá thực trạng

Qua thực tế trực tiếp giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm học sinh là con em tại địa phương, tôi nhận thấy rằng đa số các em đều hiền, ngoan, e dè, ít nói. Tuy nhiên tình trạng học sinh đi học “giã gạo”, “đi học theo mùa” dẫn đến bỏ học giữa chừng trong năm học là điều không tránh khỏi. Tình trạng còn trở nên nghiêm trọng hơn vào thời điểm trước tết Nguyên đán hoặc khoảng tháng 2 âm lịch vì thời gian này địa phương vào mùa thu hoạch đót. Do đó, tôi cho rằng cái khó của công tác chủ nhiệm không phải là giáo dục học sinh chưa ngoan mà là cần làm gì để học sinh đi học đều hơn và không bỏ học giữa chừng.

3. Nguyên nhân của thực trạng

– Thứ nhất, do nhận thức của cha mẹ học sinh. Ngoài những phụ huynh rất quan tâm đến việc học của con em vẫn còn một bộ phận không nhỏ phụ huynh còn xem nhẹ việc học, chưa nhận thấy được ích lợi lâu dài của việc học tập của con em mình. Một số gia đình đông con đi học, hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải lo cuộc sống gia đình, chưa phối hợp tốt với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lí học sinh tự học ở nhà. Có một số phụ huynh chỉ nghĩ cho con đi học để được nhận phụ cấp hàng tháng.

– Thứ hai, chính quyền địa phương chưa nhiệt tình trong công tác vận động học sinh ra lớp, ch­ưa phê bình nhắc nhở thư­ờng xuyên tr­ước cộng đồng, chư­a nghiêm khắc đối với những gia đình có con em vắng học, bỏ học, chưa dành nhiều sự quan tâm đến công tác vận động học sinh ra lớp và đi học chuyên cần.

Đa số giáo viên của trường đều trẻ tuổi và ở các huyện đồng bằng lên công tác tuy nhiệt tình nhưng chưa có kinh nghiệm nắm bắt tình hình của địa phương và chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm.

– Thứ ba, sự nhận thức về trách nhiệm học tập của các em còn chưa cao nên các em thường xuyên vắng học ở nhà để giúp đỡ cha mẹ trông em nhỏ, chăn bò, theo bố mẹ lên nương rẫy, các em thường thiếu những hoài bão ước mơ cần thiết nên không mấy mặn mà với việc học. Khả năng tiếp thu kiến thức còn hạn chế cộng thêm tình trạng học sinh đi học “giã gạo” kéo dài khiến các em bị hỏng nhiều kiến thức dẫn đến không tiếp thu được bài tiếp theo, học không đuổi kịp các bạn trong lớp làm cho các em chán nản không muốn học tiếp.

Các em dễ bị lợi dụng và lôi kéo, đặc biệt vào thời điểm trước và sau tết Nguyên đán, có rất nhiều thanh niên trong thôn, trong làng, đi làm ăn xa mới về. Ăn tết xong các em bị lôi kéo, rủ rê, dụ dỗ đi vào Nam làm ăn kiếm tiền mà bỏ học.

Vấn nạn tảo hôn thường xuyên xảy ra, các em học sinh nữ mang thai sớm phải bỏ học giữa chừng để kết hôn.

Với nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần như vậy, thì người giáo viên chỉ với lòng yêu nghề, nhiệt tình giảng dạy vẫn chưa đủ. Mà thực tế, đòi hỏi mỗi giáo viên chủ nhiệm phải nghiên cứu tìm ra giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nếu không từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng học sinh vắng học, bỏ học giữa chừng thì không thể nâng cao chất lượng giáo dục học sinh.

4. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp

Có thể nói, giáo viên chủ nhiệm là người có những ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và rèn luyện của học sinh, là cầu nối giữa học sinh với các tổ chức xã hội trong và ngoài nhà trường. Là người giáo viên chủ nhiệm ai cũng như tôi, đều ngày đêm trăn trở trước thực trạng học sinh vắng học, bỏ học. Bản thân tôi luôn suy nghĩ và đặt cho mình câu hỏi “Làm thế nào để duy trì sĩ số và đảm bảo chuyên cần?” Theo tôi, điều đó là không dễ dàng, nhất là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi tâm đắc với dòng chữ của thầy giáo người Nga đã viết “Đến với một nhà giáo điểm chủ yếu là tình người”, tập trung ở sự nhiệt tâm, thái độ ân cần, sự chu đáo, lòng vị tha. Vì vậy, tôi nghĩ mỗi việc làm của giáo viên chủ nhiệm đều xuất phát từ trái tim nhân hậu, từ tình cảm chân thành như một người mẹ, người cha, người anh, người chị, người bạn đáng tin cậy của các em. Tôi xem đó là một phương châm chủ nhiệm của mình, đồng thời quyết tâm tìm ra giải pháp để duy trì sĩ số học sinh.

Trong buổi Hội thảo hôm nay tôi cũng xin mạnh dạn chia sẻ với quý vị đại biểu và quý thầy cô về giải pháp tôi đã áp dụng và thấy có hiệu quả trong thời gian qua. Vì thời gian có hạn, nên tôi xin chỉ chia sẻ giải pháp mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất, đó là:

4.1. Thành lập “nhóm trưởng khu vực”

Ngoài việc xây dựng và phát huy tốt vai trò của ban cán sự lớp, giáo viên chủ nhiệm nên thành lập riêng “nhóm trưởng khu vực” của lớp, đây là các học sinh gương mẫu nhất ở từng địa bàn trong lớp. Học sinh trong lớp ở nhiều địa phương khác nhau, điều kiện kinh tế khó khăn, nhà ở xa trường, nhiều em phải đi bộ hàng chục cây số từ lúc gà gáy mới đến được trường. Theo đó, nhóm trưởng khu vực được giao nhiệm vụ chính là vận động các bạn trong khu vực mình đến lớp thường xuyên, nắm tình hình mọi mặt các bạn để báo cáo kịp thời với giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp. Vì vậy, khi có học sinh có dấu hiệu đi học “giã gạo” hoặc có ý định bỏ học giữa chừng giáo viên chủ nhiệm đều nhận được thông tin từ các em một cách nhanh chóng, từ đó kịp thời ngăn chặn tình trạng bỏ học và động viên các em tới lớp.

4.2. Sắp xếp chỗ ngồi theo nguyện vọng, mong muốn của học sinh

Cách bố trí chỗ ngồi trong lớp cũng rất quan trọng trong việc hạn chế học sinh vắng học, bỏ học. Khi các em được ngồi theo nguyện vọng, mong muốn của mình sẽ tạo hứng thú cho các em tới lớp và học tập tốt hơn.

4.3. Xây dựng mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, giữa thầy với trò

– Ngoài những người thân trong gia đình, ai cũng cần có bạn bè để chia sẻ. Các em học sinh cũng vậy, nếu các em có nhiều bạn bè thân thiết trong lớp, trong trường thì các em sẽ hợp tác vui vẻ với nhau và sẽ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Tôi chú trọng đến những đôi bạn “khá, giỏi kèm yếu” ở gần nhà, ở cùng thôn xóm với nhau, các em có thể cùng nhau học trong những buổi nghỉ học ở trường. Xem đây là một phong trào, có phần thưởng cho đôi bạn cùng tiến và thực hiện xuyên suốt đến cuối năm học.

– Trong tất cả các hoạt động của lớp, giáo viên chủ nhiệm cần tham gia cùng các em, cổ vũ tinh thần cho các em. Có như vậy, các em rất vui và khoảng cách giữa thầy – trò xích lại gần nhau để các em tự tin hơn khi trao đổi, chia sẻ tâm sự về những vấn đề mà các em đang gặp phải trong cuộc sống, nhất là các em nữ.

Thông qua việc làm này, các em cảm thấy được yêu thương, mỗi ngày đến trường là một niềm vui thì các em sẽ thích đến trường, ham học và đẩy lùi tư tưởng bỏ học hay trốn học.

4.4. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, giáo viên bộ môn, các tổ chức trong nhà trường và chính quyền địa phương

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, hoàn cảnh gia đình không ai giống ai. Việc phối hợp có hiệu quả giữa giáo viên chủ nhiệm với các tổ chức trong và ngoài nhà trường sẽ giúp nắm bắt được tình hình của các em ở nhà, về việc học tập ở nhà, điều kiện kinh tế gia đình, sinh hoạt cuộc sống hằng ngày của các em. Từ đó tùy từng đối tượng mà giáo viên chủ nhiệm linh hoạt đề ra kế hoạch giáo dục phù hợp.

Thông qua cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm trao đổi và quán triệt về sự chuyên cần của các em. Tôi chỉ chấp nhận đồng ý các em học sinh nghỉ học với lý do chính đáng như: ốm đau, tai nạn,..Còn nghỉ học để đi ăn giỗ, ăn cưới,…đều được tôi động viên đi học.

5. Kết luận

Nhờ vận dụng giải pháp nêu trên mà trong các năm học tôi làm công tác chủ nhiệm lớp: năm học 2019-2020 (chủ nhiệm lớp 12A5), năm học 2020-2021 (chủ nhiệm lớp 12A6), và HKI năm học 2022-2023 (chủ nhiệm lớp 10C1) không có học sinh bỏ học giữa chừng và công tác chủ nhiệm đã đạt được những hiệu quả đáng khích lệ (lớp do tôi chủ nhiệm đều được công nhận là Tập thể xuất sắc và Tập thể tiên tiến).

Tóm lại, công tác giáo dục ý thức cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ngăn chặn học sinh bỏ học là trách nhiệm của mỗi giáo viên chủ nhiệm, tập thể nhà trường và của các cấp chính quyền địa phương. Để làm tốt công tác này, tôi xin đề xuất các giải pháp như sau:

*Về phía nhà trường:

– Duy trì tốt nề nếp sinh hoạt giữa ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp và ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường.

– Phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với chính quyền địa phương để tuyên tuyền giáo dục và vận động học sinh đến trường.

– Thường xuyên làm tốt công tác quan tâm giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khó khăn để hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Thành lập ban vận động trong nhà trường để thường trực, nếu có học sinh nghỉ học thì kịp thời vận động trở lại lớp.

*Các cấp chính quyền địa phương:

– Tăng cường công tác tuyên truyền vận động và chăm lo cho sự nghiệp giáo dục địa phương, xem việc thực hiện duy trì sĩ số học sinh trong độ tuổi đi học là nhiệm vụ của cơ quan chính quyền địa phương.

– Huy động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đóng góp vật chất để hỗ trợ kịp thời.

Trên đây là những chia sẻ kinh nghiệm và một số đề xuất của bản thân tôi về công tác chủ nhiệm lớp. Hy vọng có thể giúp ích một phần nào hạn chế được tình trạng học sinh vắng học thường xuyên dẫn đến bỏ học, giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tìm được cho mình một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn ở phía trước. Rất mong nhận được nhiều ý kiến phản hồi và góp ý tích cực để chúng ta làm công tác giáo dục học sinh được tốt hơn, giúp ngăn chặn học sinh vắng học, bỏ học giữa chừng trong thời gian tới.